Sunday, November 27, 2016

Nếu bạn bị dị ứng với sữa bò, hãy uống sửa dê

Những thế hệ trẻ em lớn lên khỏe mạnh, thường là có uống sữa. Nhưng đối với những em bị dị ứng với sữa bò thì sao đây ? Câu trả lời có thể là sữa dê. Theo như bài báo này thì việc uống sữa dê đang thu hút được sự quan tâm tại Nhật Bản như là một thay thế dinh dưỡng cho sữa bò.


Một trang trại ở tỉnh Kochi đang nuôi khoảng 70 con dê. Kentaro Kawazoe đã bắt đầu nuôi dê sau khi anh nghiên cứu sữa của chúng. Anh cho biết những ai bị dị ứng với sữa bò sẽ cảm thấy sữa dê dễ tiêu hóa hơn. 

Tuy nhiên, có một trở ngại khi tiếp thị sữa dê là mùi của nó. Kawazoe đã nuôi dê bằng thức ăn được thiết kế riêng nhằm làm cho sữa dê bớt nặng mùi. Thức ăn bao gồm gạo và cỏ trồng không sử dụng thuốc trừ sâu.


"Sữa dê của chúng tôi ngon hơn hẵn các loại khác," Kawazoe, chủ Trại Dê Kawazoe nói. "Nếu sữa vẫn đủ chất dinh dưỡng mà lại ít gây dị ứng hơn, điều đó thật là tuyệt vời. Tôi rất tự tin quảng bá sản phẩm sữa dê của mình. Mọi người nên thử để thấy sự khác biệt."

Nhà khoa học Satoshi Kawahara, là một giáo sư tại trường đại học Miyazaki, đã phân tích những thành phần có trong sữa. Theo ông thì lý do khiến người bị dị ứng sữa bò có thể uống được sữa dê là do những protein gây ra.

Ông làm một thử nghiệm giúp minh họa sự khác nhau này. Đầu tiên, ông cho cả hai loại sữa vào những máy ly tâm. Khoảng 15 phút sau, những protein đã được tách ra. Chúng được nhuộm xanh, và cho vào một máy khác để phân ly tiếp. 

Và ông được kết quả như sau, phần sữa bò, màu xanh dưới đáy chính là sự hiện diện của một portein được gọi là "alpha-s1 casein". Đó là một trong những chất gây ra dị ứng sữa.

Còn đối với sữa dê, không có màu xanh dưới đáy, chứng tỏ những protein gây dị ứng không có.

Kawahara cho biết những ai bị dị ứng với alpha-s1 casein có thể dùng sữa dê. "Những ai bị dị ứng với sữa bò có thể bù đắp sự thiếu hụt dinh dưỡng bằng cách uống sữa dê", ông nói. "Sữa dê là một thay thế đầy tiềm năng cho sữa bò".

Một công ty sữa bò đã có mặt trên thị trường gần một thế kỷ nay cũng đã bắt đầu bán sữa dê. Họ tin rằng nhu cầu tìm kiếm sự thay thế sữa bò của khách hàng sẽ tăng lên. Sữa dê mà họ bán là từ trang trại của Kawazoe.


Những sinh viên cao đẳng đến thăm nhà máy sữa cảm thấy thích thú với sữa dê.

"Em thấy mùi không nặng lắm, và cũng dễ uống", một sinh viên cho biết.

"Ngày nay có nhiều người mẫn cảm với sữa", Bunjiro Yoshizawa, giám đốc công ty Sữa Himawari, nói. "Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc kinh doanh sữa dê, nhờ đó những người dị ứng sữa bò có cái để mà thay thế".

Sữa dê có vị dễ uống và dễ tiêu hóa. Đối với người bị dị ứng với những sản phẩm từ sữa bò, Kawahara khuyên nên kiểm tra sức khỏe trước khi dùng sữa dê.

Nguồn

Tuesday, November 15, 2016

Thế giới nên học hỏi thói quen ăn uống của người Pháp


Nếu không tính việc hay nhúng bánh croissants vào cà phê và ăn đồ lòng gia súc, thì người Pháp có những thói quen ăn uống hay ho mà mỗi người trong chúng ta nên học theo.

Bất chấp sự lan tràn những chuổi thức ăn nhanh của người Mỹ và một lớp trẻ cởi mở hơn đối với những ảnh hưởng từ Anh, những thói quen ăn uống truyền thống của người Pháp vẫn tồn tại, cho dù nhiều người dự đoán nó sẽ tàn lụi trong tương lai.

Nước Pháp xưa nay vẫn là quốc gia xem ăn uống là một điều thú vị của cuộc sống chứ không phải chỉ là nạp nhiên liệu vào cơ thể cho qua ngày.

Và đó là lý do người Pháp có nhiều cách khác nhau để tận hưởng niềm vui ẩm thực hơn nhiều quốc gia khác. Dưới đây là vài thói quen ăn uống của họ mà chúng ta có thể tham khảo.

Ăn uống đúng giờ và nói không với ăn vặt

Người Pháp luôn ăn ba bữa một ngày và nhìn chung họ không đụng tới món gì khác ngoài những bữa chính này. Trẻ con thì thích ăn vặt hoặc ăn xế sau giờ học - có thể là trái cây hay một mẩu bánh - nhưng điều này cũng giới hạn trong một khung thời gian cụ thể, còn người lớn thường không ăn vặt.

Đối vớ người Pháp, việc đói bụng giữa những bữa chính là chuyện bình thường, nhưng không có nghĩa là họ sẽ lao vào lục lọi trong tủ lạnh hay phải chạy ra ngoài mua sôcôla.

Một nhà xã hội học người Mỹ khi đến thăm Pháp vào thập niên 50 đã có cảm giác bị xúc phạm và nghĩ rằng giờ ăn cố định là dành cho những con vật trong sở thú. Nếu vậy, chuyện ẩm thực trong sở thú tốt hơn nhiều so với ngoài thiên nhiên hoang dã rồi.


Một số người cho rằng tập quán này có những mặt hạn chế của nó, và giờ mở cửa giới hạn của những nhà hàng Pháp là một nguyên nhân khiến những chuổi cửa hàng thức ăn nhanh mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, thực tế là ngay cả những cửa hàng thức ăn nhanh này cũng vắng vẻ vào giữa những giờ ăn chính, điều đó cho thấy văn hóa "ngày ba bữa" đã ăn sâu vào đời sống người dân Pháp.

Bữa trưa quan trọng hơn bữa tối

Đối với người Pháp, bữa chính của họ chính là bữa trưa, còn bữa tối thì đôi khi không quan trọng lắm, ăn sao cũng được. Điều này cũng dễ hiểu, khi chúng ta sử dụng hầu hết thời gian còn lại trong ngày để tiêu hóa bữa ăn. Một cuộc khảo sát gần đây còn cho biết người Pháp dành nhiều thời gian cho bữa trưa hơn những quốc gia khác. Để rồi sau đó, nhiều người sẽ bị cơn buồn ngủ đánh gục ngay tại bàn làm việc.

Ăn chung mới vui

Một trong những lý do nữa khiến chế độ ăn ngày ba bữa còn tồn tại trong đời sống Pháp là do người Pháp thích ăn uống cùng nhau. Không chỉ là ăn cùng với gia đình, họ cũng thích thưởng thức món ngon chung với đồng nghiệp. Trong khi ở Anh hay Mỹ, sẽ là bình thường nếu bạn nghe một đồng nghiệp nói "ra ngoài làm miếng sangwich nhe", thì ở Pháp, nói vậy có thể khiến đồng nghiệp buồn lòng, thậm chí bị xem là khiếm nhã.


The Crédoc, một tổ chức chuyên khảo sát và nghiên cứu thói quen người tiêu dùng cho biết: 80% bữa ăn của dân Pháp là ăn cùng với người khác. Đối với người Pháp, ẩm thực sẽ thú vị hơn nhiều khi được chia sẽ.

Người ta thích ra ngoài để ăn tối hơn là để bia bọt, đó là một đặc điểm mang tính xã hội Pháp. Thật khó hình dung việc ra ngoài làm vài chai vào buổi tối mà không có ẩm thực đi kèm. Tuy vậy, nhưng dứt khoát sẽ không có chuyện ăn thả ga (cheating meal) vào tối thứ sáu ở xứ sở của những chú gà trống Gô loa (Gaulois).

Khẩu phần ăn nhỏ hơn

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, khi chúng ta được cho thêm thức ăn, chúng ta sẽ ăn, bất chấp là chúng ta đã no hay chưa. Người Mỹ đặc biệt nổi danh với những món đồ ăn khổng lồ của họ, cộng với việc ngày càng có nhiều người chọn lối sống ít vận động hơn so với quá khứ, họ đang tiêu thụ nhiều Calories hơn mức họ cần.


Khi bạn vào một quán cà phê Pháp, khi họ đưa ra phục vụ bạn một phần ăn trông có vẻ hơi nhỏ, đừng vội nghĩ rằng mình đang bị chặt chém, bạn nên biết rằng nó sẽ cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho bạn.

Đừng mong nhận được một lời mời kiểu như "bạn có thể ăn tất cả". Người Pháp có một quan niệm khác về ăn uống, bạn sẽ nghe họ nói "bạn chỉ cần ăn bấy nhiêu thôi".

Gần đây thiên hạ một phen xôn xao khi chính phủ ban hành một luật mới, buộc tất cả nhà hàng Pháp phải cung cấp túi đựng đồ ăn thừa (doggy bags), để đem về nhà ăn tập hai hoặc có thể cho chó mèo ăn tùy ý, nhằm tránh lãng phí thức ăn. Các bếp trưởng nổi giận vì cảm thấy bị xúc phạm, và tuyên bố sẽ chẳng ai cần đến những cái túi đó.

Không có thực đơn riêng cho trẻ em

Những nhà hàng tại các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ và Canada thường phục vụ những bữa ăn giá rẻ nhưng không mấy dinh dưỡng cho trẻ, chẳng hạn như burger và hotdog. Nhưng người Pháp lại thích con cháu họ ăn uống cùng loại thức ăn như người lớn. 


Thói quen tốt này đã thấm nhuần vào máu người Pháp là do cha ông họ truyền lại, họ được khuyến khích mạnh dạn thử nghiệm những thực phẩm mới. Ngoại trừ một số trẻ kén ăn được châm chước, phần lớn cha mẹ người Pháp cho rằng ăn uống lành mạnh là một kỹ năng mà con cái họ cần phải được dạy dỗ khi chúng còn nhỏ. Ngay cả trong trường học, một bữa trưa tốt cho sức khỏe là ưu tiên số một, những bữa ăn cân bằng dưỡng chất và gồm ba món là tập quán bắt buộc ở căn tin của trường.

Trái cây tươi và rau củ

Ẩm thực Pháp truyền thống chủ yếu dựa vào trái cây, rau củ và thịt, tự trồng trọt tại nhà hay mua từ những trang trại trong vùng. Dĩ nhiên, các siêu thị ngày nay phục vụ đồ ăn nhập khẩu khá đa dạng và xu hướng dùng bữa ăn chế biến sẵn cũng đang tăng nhanh, nhưng những siêu thị của nông dân vẫn còn được ưa chuộng, và người Pháp rất thích quan tâm đến thổ nhưỡng vùng miền và gốc gác của thực phẩm.


Sử dụng sản phẩm được trồng trọt tại địa phương không chỉ làm lợi cho môi trường, mà còn tốt hơn cho sức khỏe của bạn vì chúng tươi hơn và không có nhiều thời gian để chất dinh dưỡng bị mất đi.

Chỉ là uống nước thôi


Người Pháp thích dùng nước lọc hoặc xô-đa trong bữa ăn. Hiển nhiên là họ cũng uống rượu vang khi ăn, bình thường khoảng một hoặc hai ly nhỏ chứ không phải nốc nhiều như bạn thường thấy ở Anh quốc. Ngoài việc không dùng ly khủng để uống rượu vang, hiếm khi bạn thấy một panh (ly lớn khoảng nửa lít) bia hay các loại nước uống có ga trên bàn ăn của người Pháp.

Ăn tại bàn

Thức ăn được chế biến để thưởng thức và để được ăn tại bàn. Ít nhất, đó là suy nghĩ của người Pháp và chúng ta nhất trí với họ về điều này. Tương tự như người lớn, các bậc cha mẹ Pháp cho con cái mình ngồi vào bàn ăn từ khi chúng còn rất nhỏ, nên chúng sẽ hoàn toàn quen thuộc và tự tin khi đi ăn cùng gia đình ở nhà hàng.

Ở Pháp, còn lâu bạn mới thấy người ta ăn tại bàn làm việc hay ngồi thụp trước màn hình TV.


Ăn thư giãn

Một nghiên cứu năm 2010 cho biết người Pháp mất trung bình hai giờ 22 phút mỗi ngày cho việc ăn uống. Đó là vì họ thích như vậy. Trong khi chúng ta cho rằng phải ngồi dín vào bàn hàng giờ khi tham dự một buổi tiệc tối kiểu Pháp có cảm giác như bị tra tấn, họ (người Pháp) xem đó là bình thường và thong thả ăn uống.

Đa dạng món ăn

Thay vì chỉ có một món chính nhiều về số lượng, người Pháp, cho dù văn hóa đang thay đổi chút ít, thường có ba món truyền thống: khai vị, món chính và tráng miệng. Họ cũng có thể xen vào món pho mát nữa. Đó là vì họ đã quen với việc dành thời gian cho việc ẩm thực.

Khẩu phần ăn có thể nhỏ hơn, nhưng xin bạn đừng hoảng hốt, bạn sẽ no đấy.

Món tráng miệng là trái cây

Người Pháp yêu thích các loại bánh ngọt của họ, nhưng việc thết đãi bánh su nhân kem hay bánh bông lan kem thường chỉ xuất hiện vào những dịp đặc biệt.


Các gia đình ở Anh và Mỹ hay có thói quen dùng món bánh ngọt để tráng miệng, nhưng người Pháp lại có khuynh hướng tránh xa những món bánh ngọt, họ thích dùng trái cây hoặc sửa chua sau bữa ăn.

Không vừa đi vừa ăn

Ở Pháp, bạn sẽ khó gặp cảnh một người vừa đi bộ vừa cầm một ly coca tay này và một ổ bánh mì tay kia. Đó là vì dân Pháp không thích ôm đồm nhiều việc trong giờ ăn hay khi đang nhấm nháp cà phê. Họ thà ngồi xuống, thưởng thức cho xong cái bánh, rồi muốn làm gì thì làm.


Catherine Edwards

Nguồn

Friday, November 4, 2016

"Chết vì làm việc quá sức" đạt kỷ lục tại Nhật Bản

Danielle Demetriou, TOKYO
Ngày 4 tháng Tư 2016 11:49AM

Văn hóa nghề nghiệp làm việc nhiều giờ một cách khắc nghiệt tại Nhật Bản đã làm dâng trào số đơn đòi bồi thường do "chết vì làm việc quá sức".


Theo các số liệu của chính phủ, số đơn chính thức, có liên quan đến "karoshi" - tiếng Nhật có nghĩa là chết vì làm việc quá sức - đã đạt mức kỷ lục 1.456 trong năm tài chính vừa qua.

Cũng theo các báo cáo, phần lớn những ca "karoshi" có liên quan đến các ngành chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội, vận tải biển và xây dựng, đều là những ngành thiếu nhân lực trầm kha.

Phụ nữ trẻ với những công việc thời vụ cũng đang nổi lên nhanh chóng là những nạn nhân của "karoshi", theo truyền thống vốn chỉ dành cho dân văn phòng nam giới.

Hiroshi Kawahito, tổng thư ký Hội Luật sư Bào chửa Quốc gia cho những Nạn nhân Karoshi, cảnh báo rằng con số thật sự về "karoshi" có thể còn cao hơn gấp mười lần, vì thiếu sự thừa nhận của mọi người về vấn đề này.

"Chính phủ mở vô số nhữnh hội nghị chuyên đề và dán các poster để cảnh báo người dân, nhưng điều đó chỉ có tác dụng tuyên truyền," trả lời Reuters, ông cho biết. "Thực chất của vấn đề là phải giảm giờ làm, và chính phủ đã không làm đủ những việc cần thiết."

Ngủ ngay tại nơi làm việc do phải làm thêm giờ

Cuộc đấu tranh để nhân viên văn phòng giới hạn giờ làm và dành lại sự thăng bằng trong cuộc sống ngày càng được chú ý trong những năm gần đây.


Bộ Lao động Nhật cũng thừa nhận thuật ngữ "karoshi" bao gồm cả hai nghĩa: chết vì đau tim do làm việc quá sức và tự sát do những căng thẳng thần kinh có liên quan đến công việc.

Những thông số mà chính phủ Nhật Bản dùng để xác định một trường hợp "karoshi" bao gồm tăng ca hơn 100 giờ trong một tháng trước khi chết, hoặc tăng ca 80 giờ một tháng, trong ít nhất 2 tháng liên tiếp trong vòng 6 tháng trước đó.

Trong trường hợp tự sát, người nhà của nạn nhân "karoshi" có thể yêu cầu đòi bồi thường nếu nạn nhân đó làm thêm giờ ít nhất 160 giờ trong một tháng, hoặc làm thêm giờ hơn 100 giờ trong 3 tháng liên tiếp.

Hàng loạt các nguyên nhân được cho là đã thêm dầu vào ngọn lửa "karoshi" có thể kể đến như: sự gia tăng của lao động ngắn hạn, thiếu nghiêm minh trong thực thi luật lao động và văn hoá thứ bậc tại Nhật, khi mà nhân viên cấp thấp luôn có cảm giác tội lỗi khi ra về trước nhân viên cấp trên mình.

Tháng 12 năm ngoái, những nhà điều hành của tập đoàn Watami, sở hữu chuổi nhà hàng lớn tại nhiều nước châu Á, đã bị buộc phải bồi thường khoảng 820.000 bảng Anh (130 triệu yên) vì những tổn thất gây ra cho gia đình cô Mina Mori, 26 tuổi, đã tự sát vì làm việc quá sức.

Bà mẹ Yuko bên di ảnh con gái, cô Mina Mori. Gia đình Mori và Watami đã đạt được một thỏa thuận ngoài tòa, qua đó, nhà sáng lập chuổi nhà hàng, thành viên của Upper House, ông Miki Watanabe thừa nhận cô Mori chết vì làm việc quá sức và đồng ý bồi thường 130 triệu yên. 

Mori tự tử vào tháng Sáu 2008, sau hai tháng vào làm việc tại công ty này, trong khoảng thời gian này, Mori thường bị ép phải làm những ca nhiều giờ, đến nỗi cô phải đợi đón những chuyến tàu đầu tiên sáng ngày hôm sau để về nhà.

Tháng trước, có báo cáo cho rằng chính phủ Nhật Bản đang xem xét giảm giới hạn trên giờ làm thêm được phép đối với người lao động, với những công ty hiện đang được phép yêu cầu mức làm thêm 45 giờ một tháng, miễn là có thỏa ước quản lý lao động.

Điều này theo sau một kiến nghị vào năm vừa qua, yêu cầu ban hành luật mới nhằm buộc người lao động đi nghỉ mát, vì nổi lên hiện tượng lực lượng lao động tại quốc đảo này không xài hết phân nửa số phép năm trong năm 2013.

Karoshi (過労死 - Quá Lao Tử) trong tiếng Nhật có nghĩa là chết vì làm việc quá sức. Nguyên nhân chính gây ra những cái chết Karoshi xét về mặt y học, thường do đau tim và đột quỵ do stress và một chế độ ăn uống nghèo nàn. Hiện tượng này cũng lan rộng ở Hàn Quốc, nơi nó được gọi là 'gwarosa'. Còn tại Trung Hoa, tự sát vì làm việc quá sức được gọi là 'guolaosi'.

Nguồn