Friday, November 4, 2016

"Chết vì làm việc quá sức" đạt kỷ lục tại Nhật Bản

Danielle Demetriou, TOKYO
Ngày 4 tháng Tư 2016 11:49AM

Văn hóa nghề nghiệp làm việc nhiều giờ một cách khắc nghiệt tại Nhật Bản đã làm dâng trào số đơn đòi bồi thường do "chết vì làm việc quá sức".


Theo các số liệu của chính phủ, số đơn chính thức, có liên quan đến "karoshi" - tiếng Nhật có nghĩa là chết vì làm việc quá sức - đã đạt mức kỷ lục 1.456 trong năm tài chính vừa qua.

Cũng theo các báo cáo, phần lớn những ca "karoshi" có liên quan đến các ngành chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội, vận tải biển và xây dựng, đều là những ngành thiếu nhân lực trầm kha.

Phụ nữ trẻ với những công việc thời vụ cũng đang nổi lên nhanh chóng là những nạn nhân của "karoshi", theo truyền thống vốn chỉ dành cho dân văn phòng nam giới.

Hiroshi Kawahito, tổng thư ký Hội Luật sư Bào chửa Quốc gia cho những Nạn nhân Karoshi, cảnh báo rằng con số thật sự về "karoshi" có thể còn cao hơn gấp mười lần, vì thiếu sự thừa nhận của mọi người về vấn đề này.

"Chính phủ mở vô số nhữnh hội nghị chuyên đề và dán các poster để cảnh báo người dân, nhưng điều đó chỉ có tác dụng tuyên truyền," trả lời Reuters, ông cho biết. "Thực chất của vấn đề là phải giảm giờ làm, và chính phủ đã không làm đủ những việc cần thiết."

Ngủ ngay tại nơi làm việc do phải làm thêm giờ

Cuộc đấu tranh để nhân viên văn phòng giới hạn giờ làm và dành lại sự thăng bằng trong cuộc sống ngày càng được chú ý trong những năm gần đây.


Bộ Lao động Nhật cũng thừa nhận thuật ngữ "karoshi" bao gồm cả hai nghĩa: chết vì đau tim do làm việc quá sức và tự sát do những căng thẳng thần kinh có liên quan đến công việc.

Những thông số mà chính phủ Nhật Bản dùng để xác định một trường hợp "karoshi" bao gồm tăng ca hơn 100 giờ trong một tháng trước khi chết, hoặc tăng ca 80 giờ một tháng, trong ít nhất 2 tháng liên tiếp trong vòng 6 tháng trước đó.

Trong trường hợp tự sát, người nhà của nạn nhân "karoshi" có thể yêu cầu đòi bồi thường nếu nạn nhân đó làm thêm giờ ít nhất 160 giờ trong một tháng, hoặc làm thêm giờ hơn 100 giờ trong 3 tháng liên tiếp.

Hàng loạt các nguyên nhân được cho là đã thêm dầu vào ngọn lửa "karoshi" có thể kể đến như: sự gia tăng của lao động ngắn hạn, thiếu nghiêm minh trong thực thi luật lao động và văn hoá thứ bậc tại Nhật, khi mà nhân viên cấp thấp luôn có cảm giác tội lỗi khi ra về trước nhân viên cấp trên mình.

Tháng 12 năm ngoái, những nhà điều hành của tập đoàn Watami, sở hữu chuổi nhà hàng lớn tại nhiều nước châu Á, đã bị buộc phải bồi thường khoảng 820.000 bảng Anh (130 triệu yên) vì những tổn thất gây ra cho gia đình cô Mina Mori, 26 tuổi, đã tự sát vì làm việc quá sức.

Bà mẹ Yuko bên di ảnh con gái, cô Mina Mori. Gia đình Mori và Watami đã đạt được một thỏa thuận ngoài tòa, qua đó, nhà sáng lập chuổi nhà hàng, thành viên của Upper House, ông Miki Watanabe thừa nhận cô Mori chết vì làm việc quá sức và đồng ý bồi thường 130 triệu yên. 

Mori tự tử vào tháng Sáu 2008, sau hai tháng vào làm việc tại công ty này, trong khoảng thời gian này, Mori thường bị ép phải làm những ca nhiều giờ, đến nỗi cô phải đợi đón những chuyến tàu đầu tiên sáng ngày hôm sau để về nhà.

Tháng trước, có báo cáo cho rằng chính phủ Nhật Bản đang xem xét giảm giới hạn trên giờ làm thêm được phép đối với người lao động, với những công ty hiện đang được phép yêu cầu mức làm thêm 45 giờ một tháng, miễn là có thỏa ước quản lý lao động.

Điều này theo sau một kiến nghị vào năm vừa qua, yêu cầu ban hành luật mới nhằm buộc người lao động đi nghỉ mát, vì nổi lên hiện tượng lực lượng lao động tại quốc đảo này không xài hết phân nửa số phép năm trong năm 2013.

Karoshi (過労死 - Quá Lao Tử) trong tiếng Nhật có nghĩa là chết vì làm việc quá sức. Nguyên nhân chính gây ra những cái chết Karoshi xét về mặt y học, thường do đau tim và đột quỵ do stress và một chế độ ăn uống nghèo nàn. Hiện tượng này cũng lan rộng ở Hàn Quốc, nơi nó được gọi là 'gwarosa'. Còn tại Trung Hoa, tự sát vì làm việc quá sức được gọi là 'guolaosi'.

Nguồn

No comments:

Post a Comment