Friday, March 25, 2016

Ngủ ngày hay ngủ trưa quá lâu có nguy cơ bị bệnh tim mạch hơn


Ngoài ra, người ngủ trưa trên một giờ mỗi ngày còn thêm nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2

HealthDay
Robert Preidt

Theo HealthDay hôm thứ Năm, 24 tháng 3-2016, lâu nay chúng ta biết việc ngủ đủ là rất quan trọng đối với sức khỏe, nhưng một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng ngủ ngày quá dài không đem đến chút lợi lộc nào cho trái tim của bạn cả.

Các nhà khoa học nhận thấy việc ngủ trưa kéo dài hoặc ngủ ngày quá mức có liên hệ đến việc tăng nguy cơ gặp những vấn đề về sức khỏe được biết dưới cái tên chung là Hội chứng Chuyển hóa. Từ đó dể mắc bệnh tim và tiểu đường hơn.

Hội chứng Chuyển hóa bao gồm những căn bệnh thời đại như cao huyết áp, cao mỡ máu, cao đường máu và người bệnh tích tụ một lượng lớn mỡ thừa quanh vòng eo.

Những nhà khoa học phân tích kết quả của 21 công trình nghiên cứu bao gồm tổng cộng hơn 307.000 người tham gia, và nhận thấy rằng người ngủ trưa dưới 40 phút một ngày không có nguy cơ bị những căn bệnh của Hội chứng Chuyển hóa. Thực tế, ở những người ngủ trưa dưới 30 phút, nguy cơ này thậm chí còn hơi giảm một chút.

Nguy cơ tăng cao thấy rõ ở những người ngủ trưa trên 40 phút. Cụ thể, người ngủ trưa trên 90 phút có nguy cơ mắc Hội chứng Chuyển hóa tăng gấp 50%, bằng với những người hay buồn ngủ ban ngày.

Báo cáo trên cũng cho biết người ngủ trưa trên một giờ hoặc gật gù cả ngày vì quá mệt mỏi có liên quan đến sự tăng nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 lên thêm 50%.



Tuy nhiên, nghiên cứu trên chỉ phát hiện mối liên quan giữa những yếu tố này, chứ chưa chứng minh được gật gù cả ngày hay nướng quá lâu vào buổi trưa thật sự gây ra Hội chứng Chuyển hoá hay tiều đường.

Phát hiện trên sẽ được trình bày vào ngày 3 tháng tư tới đây tại một cuộc họp tại trường Cao đẳng Tim mạch Mỹ , Chicago. Nó sẽ được xem xét sơ bộ trước khi xuất bản trên một tập san được bình duyệt.

Tác giả của công trình nghiên cứu, Tiến sĩ Tomohide Yamada, một chuyên gia về bệnh tiểu đường tại Đại học Tokyo, cho biết trên một bản tin của ACC: "ngủ trưa là thói quen phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, vì vậy, việc làm rõ mối liên hệ giữa ngủ trưa và những căn bệnh chuyển hóa có thể đem lại một chiến lược điều trị mới mẻ, đặc biệt đối với những bệnh chuyển hoá đang tăng dần đều trên thế giới."

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh Mỹ thì khoảng một phần ba dân Mỹ không ngủ đủ giấc. Trong khi đó Cơ quan Ngủ Quốc gia Mỹ cũng khuyến khích người ta nên làm một giấc ngủ trưa từ 20 đến 30 phút để có thể tỉnh táo hơn sau đó.

"Cũng như các chế độ ăn uống và luyện tập thể dục thể thao, ngủ góp phần quan trọng cho một cuộc sống khỏe mạnh của chúng ta", Tiến sĩ Yamada nói. "Đánh một giấc ngủ trưa nho nhỏ sẽ có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên chúng ta chưa rõ nó lợi như thế nào và hoạt động ra sao."

HealthDay

Nguồn

Thursday, March 17, 2016

Paracetamol không có tác dụng đối với bệnh viêm khớp


Paris (AFP) - Theo một nghiên cứu mới vừa công bố hôm thứ sáu, Paracetamol, một loại thuốc giảm đau thường dùng, mua không cần toa bác sĩ, không có tác dụng trong điều trị bệnh viêm khớp xương mãn tính, một căn bệnh đang hành hạ hơn 10 triệu người cao tuổi.

Trong một khảo sát quy mô gồm 74 nghiên cứu lâm sàng trên gần 60.000 bệnh nhân, người ta nhận thấy Paracetamol, khi được uống để giảm đau hoặc tăng sự linh hoạt của khớp, sẽ chẳng có ý nghĩa gì vì nó chỉ hơn giả dược một chút mà thôi.

Sven Trelle, giám đốc chương trình nghiên cứu đồng thời là một nhà khoa học tại Đại học Bern, Thụy sĩ cho biết: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, paracetamol, dù dùng ở bất cứ liều nào đều không có tác dụng trong việc giải quyết các cơn đau do bệnh viêm khớp xương mãn tính gây ra".

Trelle và các đồng nghiệp theo dõi tác dụng của tám loại thuốc chống viêm không steroid trên từng bệnh nhân với những liều dùng khác nhau và cả kết hợp với thuốc khác.

Họ phát hiện thuốc có công dụng tốt nhất đối với bệnh viêm khớp là diclofenac, được bán tại nhiều quốc gia khác nhau dưới những cái tên thương mại như Voltaren, Aclonac và Cataflam.

Kết quả này được đăng trên tạp chí Y khoa The Lancet.


Bệnh viêm khớp mãn tính là dạng thường gặp nhất trong các bệnh viêm khớp, gây đau đớn cho người cao tuổi.

Bệnh xảy ra khi các sụn bảo bệ ở đầu xương bị hao mòn theo thời gian, làm cho khớp bị cứng và đau. Những khớp hay bị nhiều nhất là tay, đầu gối, hông và xương sống.

Bệnh ngày càng nặng thêm và chưa có phương thuốc nào điều trị hiệu quả hoàn toàn.

Trong số những người ở độ tuổi từ 60 trở lên, khoảng 18% nữ và 9,5% nam bị mắc bệnh.

"Phát hiện trên không hoàn toàn bất ngờ", Nicholas Moore và ba đồng nghiệp tại khoa Dược trường Đại học Bordeaux, tây nam nước Pháp cho biết.

Họ cũng bình luận trên Lancet rằng: "Paracetamol đã xuất hiện trên thị trường dược phẩm từ rất lâu. Nhưng tính hiệu quả của nó chưa bao giờ được chứng minh hoặc định lượng một cách phù hợp trên các bệnh mãn tính". 

2016 AFP

Nguồn

Saturday, March 12, 2016

Phi hành gia Scott Kelly trở về trái đất cao thêm 2 inch sau một năm trên không gian


Phi hành gia của NASA là Scott Kelly đã trở về Mỹ vào thứ Năm ngày 3 tháng 3 năm 2016, sau gần một năm trên không gian.

Thế là Kelly đã về nhà, nhưng hành trình của anh ấy chỉ mới bắt đầu. Một năm của Scott Kelly trong không gian là một phần của nghiên cứu Cặp đôi của NASA, có liên quan đến người anh em song sinh Mark Kelly.

Khi Scott ở ngoài vũ trụ, thì Mark ở lại trái đất, nhờ vậy các nhà khoa học sẽ nghiên cứu những ảnh hưởng của việc du hành trong không gian lên cơ thể con người, để chuẩn bị cho sứ mệnh đến sao Hỏa có người lái của NASA.

Trưởng ban khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Y sinh Không gian Quốc gia (NSBRI) và là Phó dự án khoa học nghiên cứu cặp đôi của NASA và NSBRI, Graham Scott cho biết: cụ thể, các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu tác động của những bức xạ trong không gian, cũng như việc giảm thị lực khi du hành ngoài vũ trụ.



Scott Kelly trở về trái đất sau 1 năm ngoài không gian, phát biểu tôn vinh NASA và những phi hành gia đồng đội vì sứ mệnh khám phá không gian.

Vậy, con người sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào khi ở ngoài không gian một năm.

Thị lực

Một trong những điểm chính những nhà khoa học muốn tập trung tìm hiểu chính là ảnh hưởng của việc ở ngoài không gian một năm lên thị lực của Kelly, xem anh ta đã bị mất bao nhiêu độ.

Scott cho biết đa số phi hành gia trở về trái đất từ không gian đều bị giảm thị lực nhẹ, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao thị lực lại bị ảnh hưởng khi ở ngoài không gian.

"Hầu như phi hành gia nào cũng phải thay kính trong lúc vẫn còn lơ lững ngoài không gian. Họ đều đem theo mắt kính, và thường là sẽ thay kính chỉ sau vài tháng" ông nói.

Xương và cơ

Trong gần một năm trên vũ trụ, Scott Kelly đã không hề dùng chân để đi lại, mà là lơ lửng ở những khu vực khác nhau tại trạm không gian. Trong quá khứ, mọi phi hành gia khi trở về trái đất đều bị tình trạng xương trở nên giòn và dể gãy, cơ cũng bị yếu đi vì chúng không được sử dụng ngoài không gian.

Nhưng ngày nay, các nhà nghiên cứu đã giúp giảm bớt những tác động xấu lên xương và cơ cho phi hành gia bằng cách bổ sung những bài tập thể dục mà các phi hành gia phải thực hiện trong lúc ở ngoài không gian. Scott nói tại trạm không gian quốc tế, anh em phi hành gia phải tự cột mình vào các máy chạy bộ treadmill và xe đạp và dùng một thiết bị đối kháng hỗ trợ để tập thể dục từ 2 đến 2,5 tiếng mỗi ngày.

"Những bài tập thể dục đã có tác dụng tích cực lên sức khỏe của phi hành gia, cụ thể là xương và cơ, họ đã trở về trái đất với ngoại hình khá tốt", Scott nói "Tuy cũng có vài anh em bị tổn thương xương và cơ, nhưng không trầm trọng như chúng ta từng thấy trong quá khứ"

Cũng theo NASA, khi cấu trúc xương bị yếu đi, chúng sẽ thải ra canxi, dẫn tới nguy cơ sỏi thận hoặc gãy xương. Tương tự, việc ít vận động sẽ làm cơ của phi hành gia bị yếu và teo nhỏ, làm cho khả năng phối hợp của họ bị kém đi.

Ảnh hưởng của chất phóng xạ

Phóng xạ là vấn đề lớn nhất mà các phi hành gia phải đối mặt khi họ thực hiện chuyến du hành lịch sử đến sao Hỏa, Scott nói.

Trên Trạm Không gian Quốc tế, một phi hành gia phải hứng một lượng phóng xạ cao gấp 20 lần so với lượng phóng xạ lên con người trên trái đất.

"Nếu bạn du hành đến sao Hỏa và đi sâu vào không gian, lượng phóng xạ cao hơn gấp vài trăm lần, có thể là 300 lần".

Scott cũng cho biết các nhà khoa học đang quan tâm sâu sắc đến việc chất phóng xạ sẽ ảnh hưởng xấu đến tim, mạch máu, xương, hệ thần kinh trung ương và não bộ, cũng như nguy cơ bị ung thư.

Nghiên cứu sức khỏe của Kelly với NASA sẽ được tiếp tục trong một thời gian dài sau năm nay, và anh ấy sẽ được kiểm tra thể trạng hàng năm.

Tim cũng có thể bị teo lại

Khi ở ngoài không gian, hệ tim mạch không phải làm việc nhiều như khi nó ở trên trái đất.

"Cũng như xương và cơ, trái tim được sinh ra tự nhiên là để làm việc trong môi trường có trọng lực trên trái đất, vì vậy khi bạn đưa trái tim vào không gian không trọng lực, nó sẽ làm việc khác đi và bị biến dạng", Scott nói.

Một trong những hệ quả của việc chuyển tiếp khi các phi hành gia quay lại trái đất là họ có thể bị ngất xỉu. Đó là lý do tại sao khi trở lại trái đất, các phi hành gia phải sử dụng một loại giường đặt biệt để giúp họ không bị  ngất khi ngồi dậy hay bước đi.

Cũng có lo ngại cho rằng chất phóng xạ sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh mạch vành.

Cơ thể

Một thay đổi tạm thời và dể thấy nhất là Kelly trở về trái đất cao thêm 2 inch so với người anh em song sinh vì tình trạng thiếu trọng lực làm cho đĩa đệm giãn nở.

Trở về trái đất sau một thời gian dài sống trong không gian, các phi hành gia phải tập sống trong môi trường có trọng lực trở lại, những việc bình thường đối với chúng ta như giữ thăng bằng, đứng, bước đi hay điều khiển xe, họ đều phải tập làm quen lại.

Các phi hành gia sẽ trải qua một chương trình phục hồi sức khỏe từ 1 đến 3 tuần, trừ khi họ gặp những tổn thương nghiêm trọng xương hay cơ, khi đó họ phải mất hàng tháng hoặc hàng năm mới hồi phục.



Theo @MaryBowerman on Twitter

Nguồn