Tuesday, May 17, 2016

Trò chuyện với con tuổi teen


Gina Shaw
Biên tập Hansa D. Bhargava, MD, 14 tháng 4 2016

Đối với nhiều bậc cha mẹ, dường như chỉ mới hôm qua thôi, cô bé lớp ba còn hồn nhiên dể thương, tung tăng vào nhà và kể huyên thuyên những chuyện ở trường. Nhưng rồi những năm tháng tuổi teen ập đến (hay thậm chí là ở giửa giai đoạn chuẩn bị chuyển sang teen), và giờ đây cô bé về nhà, chui tọt vào phòng, đóng sầm cửa lại, và bặt vô âm tín cho đến bửa cơm tối.

Bạn không cần phải để bụng chuyện đó, vì có thể cô bé không nổi điên mà cũng chẳng ghét giận gì bạn. Cô bé chỉ đơn giản đang hành động theo cách cô bé cho là điều tự nhiên - học cách tách ra khỏi cha mẹ.

"Khi còn là trẻ con, các em bé đều muốn giống và gần gủi cha mẹ mình" Tiến sĩ Diana Divecha, một nhà tâm lý học phát triển tại Trung tâm Yale chuyên nghiên cứu Trí tuệ Cảm xúc cho biết."Nhưng tuổi dậy thì cũng làm bùng nổ khá nhiều thay đổi trong não, báo hiệu đã đến lúc phải hành động để trở nên độc lập, không phụ thuộc vào cha mẹ nữa."

Còn đối với các vị phụ huynh, họ có thể có cảm giác bị tống đi, nhưng sự thật không phải vậy. "Trẻ em muốn kết nối với cha mẹ chúng. Chúng muốn đối thoại với người lớn về những vấn đề thật sự quan trọng", Divecha nói.

Khi bà yêu cầu những sinh viên đã tốt nghiệp viết một bài luận về thời thanh niên của họ, bà đã rất ngạc nhiên với số lượng bài luận viết rằng họ đã cảm thấy tủi thân như thế nào do phải ở xa cha mẹ khi bước vào tuổi dậy thì. "Trò chuyện với con cái và luôn giữ liên lạc với chúng trong giai đoạn chuyển tiếp này là hết sức quan trọng".

Nói thì dễ nhưng làm thế nào đây, đôi khi trò chuyện với đứa con yêu tuổi teen của mình có cảm giác như là đang thẩm vấn một mật vụ nằm vùng vậy. Vậy hãy thử sáu chiêu này xem.

Tạo không khí vui vẻ. "Hãy tìm ra những cách kết nối thú vị và nhẹ nhàng" Divecha gợi ý. Đối với gia đình bà, đó là âm nhạc: họ chia sẻ những bản nhạc và ban nhạc yêu thích, cùng nhau thảo luận về âm nhạc và đi xem hòa nhạc. Còn gia đình bạn thì sao, có thể là đi bộ, đi bơi hay cùng nhau chơi cờ. Đa số những buổi trò chuyện tuyệt vời xãy ra một cách tự nhiên khi bạn và con bị cuốn hút vào một hoạt động gì đó cùng nhau.

Tránh kiểu mặt đối mặt. Bắt con ngồi một chổ mặt đối mặt có thể tạo cho chúng cảm giác áp lực. Thay vào đó, hãy thảo luận những chủ đề nóng khi bạn và chúng cùng trong một hoạt động song song, như đang cùng rửa chén hay dắt chó đi dạo chẳng hạn. "Ngồi trong xe cũng là một cách hay", tiến sĩ Laura Markham, một chuyên gia Tâm lý học lâm sàng và là tác giả quyển Cha mẹ hòa bình, Con hạnh phúc nói. "Do bạn và con không phải ngồi nhìn vào nhau, nên sẽ bớt căng thẳng hơn."

Tận dụng những khoảng trống. Ngày nay tuổi teen rất là bận rộn, cha mẹ muốn tiếp cận con cái ở tuổi này theo kiểu một kèm một thật không dễ. Dù vậy, khi mùa bóng đá kết thúc, hay phong trào văn nghệ ở trường cũng vừa khép lại, con bạn có thể có một khoảng nghỉ ngơi ngắn cho những trò điên rồ. "Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn kết nối với chúng. Hãy dắt chúng ra ngoài ăn trưa, mua sắm giày mới hay tập thể dục cùng nhau," Markham nói. "Hãy tìm một dịp để lấp khoảng thời gian trống đó, chỉ có bạn và con, ở một nơi mà bạn có thể ngẫu nhiên "tám" với chúng về bất cứ thứ gì chúng đang nghĩ trong đầu."

Làm chủ cảm xúc của bạn. Khi trò chuyện với con về những chủ đề nặng ký, như ma túy hay tình dục chẳng hạn, nếu bạn không thể kiềm chế được phản ứng của mình, chúng sẽ nhanh chóng tịt ngòi và không muốn tiếp tục thảo luận. "Con trẻ có khuynh hướng điều chỉnh thái độ theo cảm xúc và lời nói của bạn, vì vậy hãy giữ bình tĩnh và thư giãn," Divecha khẳng định. Dù trong thâm tâm, bạn đang choáng với những gì con đang nói ra, bạn cũng nên cố gắng lắng nghe một cách tích cực. Hãy tạo cảm giác như bạn đang đồng cảm với những gì chúng nói, kiểu như: "Mẹ hiểu rồi, nếu vậy thì chán nhỉ..."

Thực hành với những chủ đề nhẹ nhàng hơn. Đừng lạm dụng những khoảnh khắc mẹ và con bên nhau đó để luôn nói về những vấn đề lớn lao. "Chúng sẽ bắt đầu muốn lảng tránh bạn như một thứ bệnh dịch !" Markham cảnh báo. Thay vào đó, bạn có thể đặt cho chúng những câu hỏi về những thứ ít nghiêm trọng hơn. "Con chơi trò đó vất vả vậy, mẹ chưa từng chơi trò nào như thế, rốt cuộc con cảm thấy vui không ?" Nên nhớ, đừng quá trông đợi vào câu trả lời, cho dù con bạn nói rằng chúng thích trò đó và muốn chơi nửa, hay chúng ghét trò chơi đó và sẽ không bao giờ muốn chơi lại, thì điểm mấu chốt là, qua những cuộc trò chuyện vui vẻ như vậy, bạn thể hiện để chúng tin rằng bạn là người biết kiềm chế.


Sức mạnh của từ ngữ. Thay vì nói hãy làm cho mẹ cái này, cái kia, Markham nói, có một từ kỳ diệu nên dùng khi nói chuyện với trẻ tuổi teen, đó là "mẹ muốn biết". Nếu con bạn đang than phiền rằng chúng bị bắt nạt ở trường hay lo lắng rằng chúng không thể hoàn thành đống bài tập cô giáo giao cho, hãy cố dằn cái cảm xúc muốn nhảy vào giải quyết vấn đề giúp chúng hoặc chỉ bảo chúng nên làm thế này thế kia. Thay vào đó, thử nói "mẹ tự hỏi con sẽ làm thế nào để đối phó với việc đó đây ?" hay "mẹ muốn biết con có thể giải quyết việc đó như thế nào ?"

Những chủ đề trên bàn ăn
Có một cách để khám phá những chủ đề gai góc như tình dục, nạn bắt nạt ở trường, nghiện rượu và chất kích thích, trầm cảm và tự tử là thông qua những câu chuyện sinh động tại bửa tối. "Bửa ăn tối của gia đình nên là một nơi có những thảo luận thú vị xãy ra," Markham nói. Trò chuyện sẽ khiến con bạn bận rộn, nếu bạn tạo được bầu không khí nhẹ nhàng và luôn biết cách kiểm soát tình hình.

Đưa ra vài câu hỏi, hay đem một mẩu tin trên báo lên bàn ăn và bắt đầu mổ xẻ nó. Chẳng hạn như:

- Này, các con biết gì không ? Mẹ vừa xem trên báo về một vụ kiện tụng vài đứa trẻ, chúng tung ảnh "nóng" của bạn chúng lên mạng. Các con nghĩ sao về chuyện đó ?

- Tại sao bọn trẻ hay thích xỏ khuyên lổ mũi, chân mày và rốn vậy ? Lại còn hình xăm nữa ? Các con có bao giờ nghĩ rằng mình muốn làm thế không ?

- Ở trường con có nhiều bạn quay cóp không ? Người ta có bao giờ chấp nhận gian lận trong trường học, thể thao hay trong kinh doanh không ? Rồi, nếu không ai phát hiện ra thì sẽ như thế nào ?

- Khi con dự một buổi tiệc, nếu có ai đó uống say đến mức nằm bất động, con sẽ làm gì ? Con có bao giờ nghĩ rằng mình đã uống quá nhiều hay hành vi khác đi sau khi uống rượu bia không ?

- Con nghĩ như thế nào khi so sánh ngoại hình của một người bình thường với người mẫu hay diễn viên điện ảnh ? Khi xem họ thì con có cảm giác như thế nào ?

Đừng dồn dập bọn trẻ bởi hàng núi câu hỏi. Chỉ nên dùng một hay hai câu chuyện để khởi động buổi đàm đạo. Nếu bạn muốn thể hiện quan điểm của mình cho các con thấy, tốt thôi, miễn là bạn đừng diễn thuyết. "Trẻ tuổi teen muốn biết cha mẹ chúng nghĩ gì" Markham nói. "Nhưng hãy nhớ lắng nghe những gì chúng nói với một tư tưởng thông thoáng."

Những hành vi tiềm ẩn nguy cơ
Chẳng hạn như khi con bạn về đến nhà say xỉn hay tiệc tùng với rượu và chất kích thích mà không xin phép bạn trước ? Divecha khuyên rằng nên tiếp cận những vụ như vậy một cách ngăn ngừa và tiên phong. "Hãy cho chúng tự do ở những nơi chúng có thể có, cần thiết phải rõ ràng với chúng những điều cấm kỵ".

Ví dụ như, bạn cấm chúng không được lên xe khi tài xế đã có uống, và chúng sẽ gặp rắc rối lớn khi làm như vậy. Nhưng bạn phải cho chúng một con đường thoát: Nếu con gặp trường hợp như vậy, hãy gọi cho mẹ và mẹ sẽ đến đón con về nhà an toàn, bất cứ khi nào và ở đâu, mẹ hứa sẽ không trách mắng hay tra hỏi gì v...v...

"Cho trẻ một con đường thoát an toàn như trên khi chúng tiến gần đến những điều cấm mà bạn đưa ra", Divecha khuyên. "Tuổi teen là những năm tháng đầy biến động. Nếu bạn đoán trước được những gì mà con bạn phải đương đầu và tìm cách giải quyết chúng, thay vì tự đặt mình vào vị thế đối kháng với con trẻ, bạn sẽ có nhiều cơ hội để chúng chịu nghe lời và đứng về phía bạn hơn với những điều tuyệt vời".

Nguồn

No comments:

Post a Comment