Những người xem TV mỗi ngày từ 5 tiếng trở lên có nguy cơ tử vong vì huyết khối (blood clot) trong phổi cao gấp hai lần so với những người chỉ xem TV ít hơn một nửa thời lượng, một công trình nghiên cứu của Nhật Bản cho biết.
Theo Thư viện Y Quốc gia Mỹ, hàng năm có hơn 200.000 ca tắc nghẽn phổi tại Hoa Kỳ thường khởi nguồn như một cục máu đông ở chân rồi di chuyển lên phổi. Nó có thể hủy hoại vĩnh viển những mô phổi cũng như những cơ quan nội tạng khác hoặc gây tử vong, nhưng điều nguy hiểm là nhiều người mắc bệnh này lại không hề thấy có triệu chứng gì.
Đồng tác giả của nghiên cứu trên, Tiến sĩ Hiroyasu Iso, Giáo sư khoa sức khỏe công tại trường Đại học Y Osaka cho rằng bệnh tắc nghẽn phổi trước đây không phổ biến tại Nhật bằng các quốc gia phương Tây, nhưng ngày nay, tình thế đã thay đổi vì ngày càng có nhiều người Nhật thích ngồi một chổ thay vì dành thời gian cho việc vận động.
Iso nói nhóm của ông vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng chính việc xem TV là thủ phạm nặng ký hơn, so với tuổi gìa, tiền sử cao huyết áp và tiểu đường, hay thừa cân. Họ nhận thấy rằng việc chân không hoạt động do ngồi hay nằm xem TV đã làm tăng nguy cơ mắc bệnh tắc nghẽn phổi tai họa.
Trong giai đoạn từ 1988 đến 1990, Iso và đồng sự đã phỏng vấn hơn 85.000 người Nhật có độ tuổi từ 40 đến 79 về việc họ xem TV bao nhiêu giờ mỗi ngày, rồi theo dõi sức khỏe của họ trong suốt 19 năm sau đó và tìm những ca tử vong do bệnh tắc nghẽn phổi gây ra. Họ cũng đã thu thập thông tin liên quan đến béo phì, tiểu đường, hút thuốc và cao huyết áp, và cố gắng loại trừ những yếu tố này ra khỏi mối quan hệ giữa xem TV và những cục máu đông.
Chỉ có 59 người chết do tắc nghẽn phổi, nhưng so với những người xem TV hai giờ rưỡi hoặc ít hơn mỗi ngày, những người xem TV từ 5 giờ trở lên mỗi ngày có nguy cơ chết vì một cục máu đông cao hơn gấp 2,5 lần. Và thời lượng xem TV mỗi ngày, cứ mỗi 2 giờ xem thêm, nguy cơ bị tử vong vì tắc nghẽn phổi sẽ tăng lên 40%.
"Dùng thời gian xem TV là một cách khá chính xác để tính khoảng thời gian người ta bỏ ra chỉ để ngồi một chổ hoặc lười hoạt động", Tiến sĩ Christopher Kabrhel, Giáo sư môn Y khoa Cấp cứu tại trường Y khoa Harvard, Boston, người không thuộc nhóm nghiên cứu trên, cho biết. "Nếu việc ngồi hàng giờ kém hoạt động dẫn bạn đến nguy cơ bị tắc nghẽn phổi, và tôi tin điều này đúng, thì bạn cũng có nguy cơ mất mạng vì tắc nghẽn phổi, như nghiên cứu này đã cho thấy".
Các tác giả cũng phát hiện thêm rằng sau việc ngồi hoặc nằm hàng giờ dán mắt vào màn hình TV, thì béo phì là nhân tố quan trọng thứ hai dự báo nguy cơ tử vong vì tắc nghẽn phổi.
"Ngày nay, với sự tiện lợi của đường truyền video trực tuyến, thuật ngữ "nấu cháo TV" được dùng để diễn tả thói quen xem TV hay phim truyền hình nhiều tập hàng giờ liền mà chỉ ngồi một chổ càng trở nên phổ biến", trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Toru Shirakawa, một thành viên của khoa sức khỏe công tại trường Đại học Y Osaka, đã viết.
Các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên cho những người ngồi trên chuyến bay đường dài hay những người xem TV hàng giờ liền có thể đứng dậy, làm vài động tác giãn gân cốt hay co duỗi và thư giãn cơ chân trong năm phút có thể giúp làm giảm nguy cơ máu vón cục.
Nguồn
Andrew J. Cherlin
22 tháng hai 2016
Một thông tin đáng lo âu và hoang mang: Tỷ lệ tử vong của người Mỹ da trắng và có trình độ học vấn thấp tăng cao. Đó là báo cáo được đưa ra bởi hai nhà kinh tế học Anne Case và Angus Deaton vào tháng mười hai, rằng từ năm 1999, tỷ lệ này đang nhích lên đối với những người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha ở độ tuổi từ 45 đến 54, với tỷ lệ cao nhất tập trung ở nhóm có trình độ giáo dục thấp. Một Bảng Phân tích Tỷ lệ Tử vong của người Mỹ được thực hiện bởi tờ New York Times The New York Times cũng có phát hiện tương tự và còn cho thấy nguy cơ đang có chiều hướng lan sang cả phụ nữ da trắng.
Cả hai nghiên cứu trên đều quy tỷ lệ tử vong cao là do ngộ độc và căn bệnh viêm gan mạn tính, phản ánh thực trạng dùng chất gây nghiện quá liều, lạm dụng rượu và tự tử. Ngược lại, tỷ lệ tử vong giảm toàn diện trong cộng đồng người da đen và người gốc Tây Ban Nha (Hispanics).
Nhưng vì sao những cái chết do nghiện rượu hoặc sử dụng ma túy quá liều của người da trắng lại cao hơn của người Mỹ gốc Phi hay gốc Hispanics trong cùng một hoàn cảnh giống nhau. Một số nhà quan sát cho rằng, sự lạm dụng thuốc giảm đau có thể liên can, cộng với chủ nghĩa bi quan của người da trắng về vấn đề tài chính của họ.
Tuy vậy, tôi vẫn muốn đề xuất một câu trả lời khác: cái mà những nhà khoa học xã hội vẫn thường gọi là thuyết nhóm tham chiếu. Thuật ngữ "nhóm tham chiếu" (reference group) được giới thiệu lần đầu tiên bởi nhà tâm lý xã hội học Herbert H. Hyman vào năm 1942, và thuyết này được phát triển bởi nhà xã hội học người Colombia Robert K. Merton vào thập niên 1950. Thuyết này cho rằng, để hiểu được cách mà người ta suy nghĩ và cư xử, thì cần phải biết những cái chuẩn mà người ta dựa vào đó để so sánh bản thân họ.
Bạn đang sống như thế nào? Đối với hầu hết chúng ta, trả lời câu hỏi trên có nghĩa là chúng ta sẽ so sánh cuộc sống của chúng ta với cuộc sống mà cha mẹ chúng ta đã dẫn dắt. Từ khi còn bé đến tuổi vị thành niên, người mà chúng ta quan sát kỹ nhất chính là cha mẹ chúng ta. Họ là nhóm tham chiếu đầu tiên của chúng ta.
Và đây là lời giải cho câu đố "tỷ lệ tử vong": Có vẻ như nhiều người da trắng với trình độ học vấn chưa tới cao đẳng đang tự so sánh mình với thế hệ trước đã có nhiều cơ hội hơn họ, trong khi đó, người da đen và người Hispanics đang tự so sánh mình với thế hệ trước có ít cơ hội hơn họ.
Khi người da trắng chưa tới trình độ cao đẳng nhìn về quá khứ, họ có thể nhớ rằng cha ông họ đã từng sống trong thời đại bùng nổ kinh tế công nghiệp của nước Mỹ thời hậu chiến như thế nào. Nhưng từ đó đến nay, thị trường việc làm trong ngành công nghiệp đã không còn mấy sáng sủa. Lương theo giờ trả cho một người nam tốt nghiệp trung học đã giảm tới 14% từ năm 1973 đến 2012, theo phân tích dữ liệu từ Viện Chính sách Kinh tế (Economic Policy Institute). Cho dù phụ nữ da trắng trình độ trung học chưa nếm trải sự thay đổi như vậy trong thị trường việc làm, nhưng họ có thể chứng kiến điều này qua những người chồng của họ và những nguyên nhân đưa đến cuộc sống tốt đẹp khi họ còn nhỏ tuổi.
Nhưng đối với người Mỹ gốc Phi thì khác, họ đã không hưởng được sự chia sẻ công bằng của nền kinh tế thịnh vượng thời hậu chiến. Khi họ nhìn về quá khứ, họ thấy cha ông họ đã bị tước đi những cơ hội công bằng. Còn những người Mỹ gốc Hispanics thì nhớ lại cuộc sống cơ hàn mà đời cha mẹ họ đã từng trải qua khi chưa đến Mỹ. Rốt cuộc, người da trắng có khuynh hướng tự so sánh họ với nhóm tham chiếu đưa họ đến cảm giác tồi tệ hơn, trong khi người da đen và người gốc Hispanics tự so sánh họ với nhóm tham chiếu đem lại cho họ cảm giác tốt đẹp hơn.
Nhà xã hội học Timothy Nelson và tôi đã quan sát hiện tượng này trong các cuộc phỏng vấn với những người đàn ông trưởng thành trẻ tuổi chỉ tốt nghiệp cấp 3 được thực hiện từ 2012 đến 2013. Một người đàn ông da trắng 35 tuổi đang làm việc vất vả trong ngành xây dựng nói "cuộc sống của tôi bây giờ khó khăn hơn đời cha tôi rất nhiều". Anh ta nhớ lại lời cha khi ông ấy cũng 35 tuổi "Ta có một căn nhà và bốn năm đứa con". Còn tôi bây giờ, như ông thấy đó, "mọi thứ thay đổi rồi bố ơi", anh ta trầm ngâm.
Đàn ông Mỹ gốc Phi thì lạc quan hơn. Một người nói: "Tôi nghĩ bây giờ có nhiều cơ hội tốt hơn, bởi vì, trước hết là kinh tế đang thay đổi. Rào cản màu da giờ không còn khắc nghiệt như xưa".
Ngoài ra, những cuộc khảo sát của chính phủ về sự thỏa mãn của cá nhân về địa vị xã hội so với đời cha mẹ họ cũng cho thấy có sự khác biệt rõ nét tùy theo chủng tộc. Cuộc Khảo sát Xã hội Tổng quát (The General Social Survey) được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu NORC tại trường Đại học Chicago định kỳ hai năm một lần đã yêu cầu người dân Mỹ so sánh tiêu chuẩn sống hiện tại của họ với của cha mẹ họ. Vào năm 2014, theo phân tích của tôi, trong số những người không có bằng cao đẳng từ 25 đến 54 tuổi, người gốc Phi và gốc Hispanics lạc quan hơn nhiều so với người da trắng: 67% Mỹ gốc Phi và 68% Mỹ gốc Hispanics được đánh giá là "tốt hơn nhiều" so với 47% người da trắng.
Những con số trên thể hiện một sự đảo ngược so với năm 2000, khi đó người da trắng lạc quan hơn người da đen, 64% so với 60%. (Hispanics là nhóm lạc quan nhất trong hầu hết các năm).
Nhưng chúng ta tự đánh giá mình không chỉ dựa vào cha mẹ của chúng ta. Những người công nhân da trắng trong quá khứ đã từng tự so sánh họ với công nhân da đen và cảm thấy thoải mái khi nhìn thấy có người sống và làm việc khổ hơn mình. Tuy nhiên, ngày nay, sự suy tàn của giới hạn màu da và sự lan rộng của những hành động quả quyết đã thay đổi tất cả. Trong các cuộc khảo sát xã hội tổng quát, những người da trắng không có bằng cao đẳng cũng có khuynh hướng đồng tình rằng "những điều kiện cho người da đen đã được cải thiện" hơn khi được so sánh trong bản thân cộng đồng da đen, 68% so với 53%.
Thuyết nhóm tham chiếu giải thích tại sao có những người, khi được nhiều hơn lại có cảm giác được ít hơn. Vấn đề là bạn tự so sánh mình với ai. Chứ không phải công nhân da trắng đang vất vả hơn Mỹ gốc Phi hay gốc Hispanics.
Vào quý 4 của năm 2015, thu nhập trung bình mỗi tuần của đàn ông da trắng độ tuổi từ 25 đến 54 là 950$, cao hơn so với đàn ông da đen (703$) và đàn ông gốc Hispanics (701$). Nhưng đối với một số người da trắng - có lẻ tính luôn những người trong nhóm có tỷ lệ tử vong cao - điều đó chẳng nói lên cái gì. Nhóm tham chiếu chính của họ chính là thế hệ vàng son của cha ông họ, và nếu cứ bám lấy cái chuẩn đó, họ sẽ rên rỉ than khóc nhiều hơn thay vì nhìn về tương lai.
--------------
Andrew J. Cherlin là một nhà xã hội học tại Đại học Johns Hopkins và là tác giả của quyển "Labor's Love Lost: The Rise and Fall of the Working-Class Family in America". (tạm dịch "Tình yêu Lao động đã Mất: Sự Thăng Trầm của những Gia đình Giai cấp Công nhân Mỹ").
Nguồn
Theo HealthCareAsia
01 tháng Bảy 2016
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Drexel, Philadelphia, Hoa kỳ đang thử huấn kuyện não bộ từ chối các loại bánh kẹo ngọt thông qua một game trên máy tính. Họ đã viết ra một game máy tính và một app cho điện thoại thông minh nhằm giúp người chơi kiểm soát thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe và mục đích cuối cùng là giảm được cân nặng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh, 69%người trưởng thành sống tại Philadelphia thừa cân hoặc béo phì. Trong số những yếu tố góp phần tạo nên dịch béo phì tại đây, thường thì quyết tâm của chính bệnh nhân là rào cản lớn nhất khi họ muốn giảm cân, Tiến sĩ Evan Forman, Giáo sư Tâm lý học thuộc trường Cao đẳng Nghệ thuật và Khoa học cho biết. Ví dụ như, thực phẩm ngọt sẽ kích thích những hóa chất của não và tạo cảm giác đê mê tương tự như đối với chất gây nghiện vậy.
"Hàng triệu người đang vật vã với việc giảm cân, họ cũng thực hiện điều đó một cách hợp lý, bằng cách giảm lượng calorie nạp vào cơ thể. Nhưng đại đa số rồi sẽ dần buông lơi, rồi trượt ra xa kế hoạch ăn kiêng của mình," Forman cho biết. "Vậy bí mật của việc giúp mọi người giảm cân rốt cuộc nằm ở chổ ngăn ngừa sự sa ngã này, nếu chúng ta giúp họ làm tốt việc này thì họ sẽ giảm cân thành công."
Suốt cả ngày, bạn cứ phải chọn lựa thực phẩm nào nên ăn và thực phẩm nào không nên và Forman nhấn mạnh rằng "có một phần rất mạnh trong não luôn dẫn bạn về phía sự ngon miệng và cảm giác sướng khoái khi được ăn một món ngon". Đối với một người có thói quen tiêu thụ đồ ngọt, khi nhìn thấy một cái bánh snack đầy đường, phản ứng đầu tiên của anh ta là "tôi muốn một cái". Phản ứng thứ hai xuất hiện trong đầu anh ta là cố phanh cái cảm xúc muốn ăn cái bánh đang đẩy tới. Nhưng buồn thay, phản ứng thứ hai này chậm chạp và yếu ớt hơn cái thôi thúc được ăn kia.
"Tuy nhiên, những nghiên cứu đã cho thấy, nếu bạn thực hiện những mục tiêu nào đó có liên quan đến việc kềm chế bản thân, lập đi lập lại, thì nó sẽ ngày càng mạnh lên và có tác dụng" Forman nói.
Forman và một đội các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thuyết này bằng cách mời những người hay ăn bánh snack tham gia một trong bốn bài tập huấn luyện ngắn, được thiết kế nhằm nâng cao khả năng ra quyết định và sức mạnh kềm chế của họ. Nghiên cứu kết luận rằng các bài huấn luyện đã thành công trong việc giúp giảm ăn bánh snack.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu các bài huấn luyện kềm chế có thể giúp người tham gia giảm tiêu thụ thức ăn ngọt và cuối cùng là giảm cân hay không.
Trong một game huấn luyện mới đây - có tên là DietDash - đầu tiên người chơi được yêu cầu chỉ ra những loại thực phẩm ngọt nào mà họ thường dùng nhất. Sau đó, họ sẽ được chọn một trong bốn phiên bản của game phù hợp với chế độ ăn kiêng của từng người.
Người chơi sẽ nhấn vào một số phiếm tương ứng với các loại hình ảnh khác nhau, bao gồm hình ảnh đồ ăn ngọt hấp dẫn và hình ảnh thức ăn có lợi cho sức khỏe. Khi khả năng kềm chế của người chơi được cải thiện, tốc độ của game sẽ được nâng lên đến một thử thách cao hơn. Người chơi được hướng dẫn chơi tám phút trong một ngày, chơi mỗi ngày trong liên tục sáu tuần.
Mặc dù những nghiên cứu khác chỉ ra rằng dạng huấn luyện này có thể tạm thời ảnh hưởng đến thói quen ăn của con người, những nhà nghiên cứu này muốn biết chuyện gì sẽ xãy ra qua một khóa huấn luyện kéo dài hai tháng. Dự án này được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia National Institutes of Health. "Đây là nghiên cứu đầu tiên nhằm mục đích tập luyện cho con người được thực hiện trong vài tuần," Forman nói.
Một khi nghiên cứu hoàn tất, game máy tính này cũng có thể có một phiên bản riêng dành cho smartphone.
Sản phẩm thứ hai của nhóm nghiên cứu là một ứng dụng có tên DietAlert, được tài trợ bởi Weight Watchers và the Obesity Society. App này được sử dụng cùng với app Weight Watchers, là một ứng dụng chạy trên điện thoại di động, dùng để thu thập thông tin về thói quen ăn uống của người dùng và dùng một thuật toán để phát hiện khi người dùng có nguy cơ buông lỏng kế hoạch giảm cân của mình.
Ví dụ như, ứng dụng có thể biết rằng người dùng sắp sửa ăn bánh kẹo vặt sau bửa trưa, vì cô ấy đã bỏ qua bửa ăn sáng. Khi ứng dụng đã nhớ được "gu" ăn kiêng của bạn, nó sẽ đưa ra lời cảnh báo nhắc nhở hay lời khuyên để giúp bạn nhanh chóng quay lại mục tiêu giảm cân của mình. Cái khó của giảm cân là việc không có khả năng quyết định và những món ăn đầy cám dỗ làm bạn xao lòng liên tục lập đi lập lại.
Ứng dụng DietAlert hiện nổi bật hơn so với hàng trăm ứng dụng ăn kiêng khác, vì nó không chỉ theo dỏi thói quen ăn uống của người dùng, mà nó sử dụng những thông tin đó để cung cấp cho người dùng những lời khuyên phù hợp với ch́nh họ. "Ứng dụng này tập trung chính xác vào từng cá nhân riêng biệt, khi họ cần sự giúp đỡ," Forman nói.
Nguồn