Friday, July 15, 2016

Vì sao người da trắng có tỷ lệ tử vong tăng


Andrew J. Cherlin
22 tháng hai 2016


Một thông tin đáng lo âu và hoang mang: Tỷ lệ tử vong của người Mỹ da trắng và có trình độ học vấn thấp tăng cao. Đó là báo cáo được đưa ra bởi hai nhà kinh tế học Anne Case và Angus Deaton vào tháng mười hai, rằng từ năm 1999, tỷ lệ này đang nhích lên đối với những người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha ở độ tuổi từ 45 đến 54, với tỷ lệ cao nhất tập trung ở nhóm có trình độ giáo dục thấp. Một Bảng Phân tích Tỷ lệ Tử vong của người Mỹ được thực hiện bởi tờ New York Times The New York Times cũng có phát hiện tương tự và còn cho thấy nguy cơ đang có chiều hướng lan sang cả phụ nữ da trắng.

Cả hai nghiên cứu trên đều quy tỷ lệ tử vong cao là do ngộ độc và căn bệnh viêm gan mạn tính, phản ánh thực trạng dùng chất gây nghiện quá liều, lạm dụng rượu và tự tử. Ngược lại, tỷ lệ tử vong giảm toàn diện trong cộng đồng người da đen và người gốc Tây Ban Nha (Hispanics).

Nhưng vì sao những cái chết do nghiện rượu hoặc sử dụng ma túy quá liều của người da trắng lại cao hơn của người Mỹ gốc Phi hay gốc Hispanics trong cùng một hoàn cảnh giống nhau. Một số nhà quan sát cho rằng, sự lạm dụng thuốc giảm đau có thể liên can, cộng với chủ nghĩa bi quan của người da trắng về vấn đề tài chính của họ.

Tuy vậy, tôi vẫn muốn đề xuất một câu trả lời khác: cái mà những nhà khoa học xã hội vẫn thường gọi là thuyết nhóm tham chiếu. Thuật ngữ "nhóm tham chiếu" (reference group) được giới thiệu lần đầu tiên bởi nhà tâm lý xã hội học Herbert H. Hyman vào năm 1942, và thuyết này được phát triển bởi nhà xã hội học người Colombia Robert K. Merton vào thập niên 1950. Thuyết này cho rằng, để hiểu được cách mà người ta suy nghĩ và cư xử, thì cần phải biết những cái chuẩn mà người ta dựa vào đó để so sánh bản thân họ. 

Bạn đang sống như thế nào? Đối với hầu hết chúng ta, trả lời câu hỏi trên có nghĩa là chúng ta sẽ so sánh cuộc sống của chúng ta với cuộc sống mà cha mẹ chúng ta đã dẫn dắt. Từ khi còn bé đến tuổi vị thành niên, người mà chúng ta quan sát kỹ nhất chính là cha mẹ chúng ta. Họ là nhóm tham chiếu đầu tiên của chúng ta.

Và đây là lời giải cho câu đố "tỷ lệ tử vong": Có vẻ như nhiều người da trắng với trình độ học vấn chưa tới cao đẳng đang tự so sánh mình với thế hệ trước đã có nhiều cơ hội hơn họ, trong khi đó, người da đen và người Hispanics đang tự so sánh mình với thế hệ trước có ít cơ hội hơn họ. 

Khi người da trắng chưa tới trình độ cao đẳng nhìn về quá khứ, họ có thể nhớ rằng cha ông họ đã từng sống trong thời đại bùng nổ kinh tế công nghiệp của nước Mỹ thời hậu chiến như thế nào. Nhưng từ đó đến nay, thị trường việc làm trong ngành công nghiệp đã không còn mấy sáng sủa. Lương theo giờ trả cho một người nam tốt nghiệp trung học đã giảm tới 14% từ năm 1973 đến 2012, theo phân tích dữ liệu từ Viện Chính sách Kinh tế (Economic Policy Institute). Cho dù phụ nữ da trắng trình độ trung học chưa nếm trải sự thay đổi như vậy trong thị trường việc làm, nhưng họ có thể chứng kiến điều này qua những người chồng của họ và những nguyên nhân đưa đến cuộc sống tốt đẹp khi họ còn nhỏ tuổi.

Nhưng đối với người Mỹ gốc Phi thì khác, họ đã không hưởng được sự chia sẻ công bằng của nền kinh tế thịnh vượng thời hậu chiến. Khi họ nhìn về quá khứ, họ thấy cha ông họ đã bị tước đi những cơ hội công bằng. Còn những người Mỹ gốc Hispanics thì nhớ lại cuộc sống cơ hàn mà đời cha mẹ họ đã từng trải qua khi chưa đến Mỹ. Rốt cuộc, người da trắng có khuynh hướng tự so sánh họ với nhóm tham chiếu đưa họ đến cảm giác tồi tệ hơn, trong khi người da đen và người gốc Hispanics tự so sánh họ với nhóm tham chiếu đem lại cho họ cảm giác tốt đẹp hơn.

Nhà xã hội học Timothy Nelson và tôi đã quan sát hiện tượng này trong các cuộc phỏng vấn với những người đàn ông trưởng thành trẻ tuổi chỉ tốt nghiệp cấp 3 được thực hiện từ 2012 đến 2013. Một người đàn ông da trắng 35 tuổi đang làm việc vất vả trong ngành xây dựng nói "cuộc sống của tôi bây giờ khó khăn hơn đời cha tôi rất nhiều". Anh ta nhớ lại lời cha khi ông ấy cũng 35 tuổi "Ta có một căn nhà và bốn năm đứa con". Còn tôi bây giờ, như ông thấy đó, "mọi thứ thay đổi rồi bố ơi", anh ta trầm ngâm.

Đàn ông Mỹ gốc Phi thì lạc quan hơn. Một người nói: "Tôi nghĩ bây giờ có nhiều cơ hội tốt hơn, bởi vì, trước hết là kinh tế đang thay đổi. Rào cản màu da giờ không còn khắc nghiệt như xưa".



Ngoài ra, những cuộc khảo sát của chính phủ về sự thỏa mãn của cá nhân về địa vị xã hội so với đời cha mẹ họ cũng cho thấy có sự khác biệt rõ nét tùy theo chủng tộc. Cuộc Khảo sát Xã hội Tổng quát (The General Social Survey) được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu NORC tại trường Đại học Chicago định kỳ hai năm một lần đã yêu cầu người dân Mỹ so sánh tiêu chuẩn sống hiện tại của họ với của cha mẹ họ. Vào năm 2014, theo phân tích của tôi, trong số những người không có bằng cao đẳng từ 25 đến 54 tuổi, người gốc Phi và gốc Hispanics lạc quan hơn nhiều so với người da trắng: 67% Mỹ gốc Phi và 68% Mỹ gốc Hispanics được đánh giá là "tốt hơn nhiều" so với 47% người da trắng.

Những con số trên thể hiện một sự đảo ngược so với năm 2000, khi đó người da trắng lạc quan hơn người da đen, 64% so với 60%. (Hispanics là nhóm lạc quan nhất trong hầu hết các năm).

Nhưng chúng ta tự đánh giá mình không chỉ dựa vào cha mẹ của chúng ta. Những người công nhân da trắng trong quá khứ đã từng tự so sánh họ với công nhân da đen và cảm thấy thoải mái khi nhìn thấy có người sống và làm việc khổ hơn mình. Tuy nhiên, ngày nay, sự suy tàn của giới hạn màu da và sự lan rộng của những hành động quả quyết đã thay đổi tất cả. Trong các cuộc khảo sát xã hội tổng quát, những người da trắng không có bằng cao đẳng cũng có khuynh hướng đồng tình rằng "những điều kiện cho người da đen đã được cải thiện" hơn khi được so sánh trong bản thân cộng đồng da đen, 68% so với 53%.

Thuyết nhóm tham chiếu giải thích tại sao có những người, khi được nhiều hơn lại có cảm giác được ít hơn. Vấn đề là bạn tự so sánh mình với ai. Chứ không phải công nhân da trắng đang vất vả hơn Mỹ gốc Phi hay gốc Hispanics.

Vào quý 4 của năm 2015, thu nhập trung bình mỗi tuần của đàn ông da trắng độ tuổi từ 25 đến 54 là 950$, cao hơn so với đàn ông da đen (703$) và đàn ông gốc Hispanics (701$). Nhưng đối với một số người da trắng - có lẻ tính luôn những người trong nhóm có tỷ lệ tử vong cao - điều đó chẳng nói lên cái gì. Nhóm tham chiếu chính của họ chính là thế hệ vàng son của cha ông họ, và nếu cứ bám lấy cái chuẩn đó, họ sẽ rên rỉ than khóc nhiều hơn thay vì nhìn về tương lai.

--------------

Andrew J. Cherlin là một nhà xã hội học tại Đại học Johns Hopkins và là tác giả của quyển "Labor's Love Lost: The Rise and Fall of the Working-Class Family in America". (tạm dịch "Tình yêu Lao động đã Mất: Sự Thăng Trầm của những Gia đình Giai cấp Công nhân Mỹ").

Nguồn

No comments:

Post a Comment