Monday, August 29, 2016

Ung thư hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại 12 quốc gia châu Âu

Những bệnh về tim và mạch máu, hay còn gọi là bệnh tim mạch (CVD) vẫn là sát thủ số một gây tử vong cho con người trên toàn thế giới, với 17.3 triệu bệnh nhân toàn cầu. Nhưng tại 12 nước châu Âu, ung thư đã soán ngôi tim mạch để vươn lên vị trí dẫn đầu.


Theo các số liệu mới đây, gánh nặng ngân sách của bệnh tim mạch tại châu Âu năm 2016 cho thấy bệnh tim mạch khiến hơn 4 triệu người chết mỗi năm, chiếm 45% tổng các ca tử vong ở khu vực châu Âu. Khu vực được xác định là 53 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, những thành công trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch đã làm giảm đáng kể số ca tử vong tại một số nước.

Về tổng thể, mặc dù ung thư chiếm chưa đến một nửa số ca tử vong so với bệnh tim mạch tại châu Âu, 9 trong số 15 thành viên của Liên hiệp châu Âu (European Union) trước 2004 (EU-15) và tại một số nước khác gia nhập EU sau đó (EU-28), hiện nam giới chết vì ung thư còn nhiều hơn tim mạch.

Những nước này bao gồm: Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và Anh Quốc. Trường hợp tương tự cũng xãy ra tại Na Uy và Israel không phải thành viên EU. Về phía phụ nữ, tử vong vì ung thư nhiều hơn tim mạch xãy ra ở Đan Mạch và Israel.

Tiến sĩ Nick Townsend, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Quỹ Tim mạch Anh quốc về Khảo sát Dân số để Phòng ngừa những Bệnh Không lây tại Đại học Oxford, nước Anh, người chỉ huy nghiên cứu này nói: "Những con số trên cho thấy có sự khác biệt lớn về số ca tử vong vì tim mạch trong các quốc gia châu Âu. 12 nước có số người tử vong vì ung thư cao hơn tim mạch là những nước Tây Âu. Số ca tử vong nhiều nhất vì bệnh tim mạch lại có khuynh hướng xuất hiện ở Đông Âu."

Tại Pháp, nơi đầu tiên người ta phát hiện ung thư đã soán ngôi tim mạch như là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở nam giới, theo số liệu thu thập được từ những năm gần đây nhất 2011 thì 92.375 nam chết vì ung thư so với 64.659 chết vì tim mạch. Còn tại nước Tây Ban Nha láng giềng, 67.711 nam chết vì ung thư so với 53.487 chết vì tim mạch vào năm 2013. Cũng năm 2013, tại Anh quốc, 87.511 nam chết vì ung thư so với 79.935 chết vì tim mạch.

Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Townsend, mặc dù có được những tiến bộ trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tim mạch, điều này không đồng đều ở khắp đại lục này. Đông Âu và những quốc gia không thuộc châu Âu vẫn còn tỷ lệ tử vong vì tim mạch cao.

Sự khác biệt trong các quốc gia châu Âu có thể được nhìn thấy qua tỷ lệ tử vong vì tim mạch và tỷ lệ tử vong được chuẩn hóa theo tuổi (age standardised death rate) - ASDR - là tỷ lệ tử vong trên 100.000 dân được điều chỉnh cho cân xứng theo từng nhóm tuổi khác nhau. Trong số 3.8 triệu ca tử vong tại những nước EU-15, 33% là do tim mạch (1.3 triệu), so với 38% tại những nước EU-28 (1.9 triệu), và 54% tại những nước không phải thành viên EU (2.1 triệu).


Tỷ lệ tử vong được chuẩn hoá theo tuổi vì bệnh tim mạch là 275 trên 100.000 nam và 174 trên 100.000 nữ ở Pháp, so với 1.444 trên 100.000 nam và 1.087 trên 100.000 nữ tại Kyrgyzstan. Tại Anh quốc, con số là 334 nam và 228 nữ trên 100.000.

Sự không đồng đều tương tự cũng xảy ra đối với những ca chết yểu (người chết dưới 75 tuổi) vì bệnh tim mạch. Ở những nước thuộc EU-15, những ca chết yểu do bệnh tim mạch là 21.4% (0.25 triệu), ở những nước EU-28 là 26% (0.45 triệu), và ở những nước không thuộc EU là 35.8% (1.3 triệu).

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu cũng báo cáo số năm sống bị mất do tử vong vì bệnh tim mạch hoặc số năm sống với sự tàn tật do bệnh gây ra, là một phương pháp đo lường số năm được hiệu chỉnh theo mức độ tàn tật (disability-adjusted life years - DALYS). Một DALY bằng một năm sống khỏe mạnh bị mất đi. Điều này cũng nhấn mạnh sự khác biệt tại những khu vực khác nhau ở châu Âu.

Số DALYS bị mất vì tim mạch năm 2012 cao nhất là ở Ukraine (194 trên 1.000 dân), Liên bang Nga (181 trên 1.000), Bulgaria (167 trên 1.000), Belarus (163 trên 1.000) và Latvia (153 trên 1.000). Thấp nhất là ở Luxembourg (39 trên 1.000), Cyprus (37 trên 1.000), Ireland (35 trên 1.000), Iceland (32 trên 1.000) và Israel (26 trên 1.000).

Nhóm tác giả của nghiên cứu trên kêu gọi kiểm tra và giám sát chặt chẻ bệnh tim mạch nhằm giúp các quốc gia châu Âu tiến tới giảm sự không đồng đều đang tồn tại ở đại lục này. Họ cũng chỉ ra rằng nghiên cứu của họ không thể giải thích nguyên do của những mô hình bệnh tim mạch đang hiện diện khắp châu Âu vì đây chỉ là một công trình mô tả những dữ liệu về bệnh tim mạch nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan gánh nặng của căn bệnh này lên châu Âu.

Nguồn

No comments:

Post a Comment