Sunday, October 30, 2016

Ấn Độ giúp dân cai thuốc lá bằng công nghệ di động

Số người hút thuốc tại chỉ 10 quốc gia như hình trên 
chiếm 2/3 số người hút trên toàn thế giới

Người ta ước tính khoảng một triệu người chết mỗi năm tại Ấn Độ vì những căn bệnh có liên quan đến thuốc lá, và điều này có thể tránh được nếu ngừng hút thuốc. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng nhận ra rằng cai thuốc lá là một việc rất khó. Trong một nỗ lực mới đây nhằm giúp dân cai thuốc, một sáng kiến dựa trên điện thoại di động đã được đưa ra tại Ấn Độ bởi chính phủ, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Hiệp hội Viễn thông Quốc tế (ITU), một cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc UN.

Gần 50% đàn ông Ấn Độ thường xuyên hút thuốc, đẩy chính họ và gia đình đến những cái chết và bệnh tật có liên quan đến khói thuốc. Nhưng những khó khăn khi tìm đến Trạm Cai nghiện đã làm giới hạn số người có thể tiếp cận được những hổ trợ mà họ cần.


Những kế hoạch "giúp đỡ cai thuốc" MPOWER của WHO cung cấp cho các quốc gia một biện pháp sinh lãi nhằm giúp nâng cao khả năng một người sẽ cai thuốc thành công, từ đó giảm nguy cơ dẫn đến một cái chết từ từ và đau đớn.

Trong suốt 12 tháng qua, chính phủ Ấn Độ, WHO và ITU đã phối hợp cùng nhau để giải quyết vấn đề này, bằng cách sử dụng điện thoại di động để mở rộng một cách đáng kể số người tiếp cận những chương trình cai nghiện.

Chương trình cai nghiện thuốc lá thông qua thiết bị di động (mTobacco Cessation) là một nỗ lực hợp tác giữa một đội ngũ nhân viên y tế quốc gia và các chuyên gia quốc tế, giúp người dân cai nghiện thuốc lá thông qua sự hỗ trợ bằng điện thoại di động. Cụ thể, WHO và ITU cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Ấn Độ, xây dựng và đưa vào sử dụng chương trình BeHe@lthy Be Mobile, là một sáng kiến toàn cầu nhằm giúp các quốc gia nhân rộng mô hình theo dõi sức khỏe như là một phần của hệ thống y tế quốc gia.

Công nghệ di động cho một cuộc sống khỏe

Những người tham gia chương trình mTobacco Cessation tại Ấn Độ sẽ tự đăng ký bằng một cuộc gọi nhỡ hoặc dịch vụ đăng ký trên mạng, sau đó, họ sẽ nhận được những tư vấn và hỗ trợ được thiết kế riêng bằng chương trình nhắn tin hàng ngày và hàng tuần đến thẳng điện thoại di động của họ. Chương trình này sẽ hỗ trợ người nghiện thuốc lá "vượt qua chính mình" để duy trì nỗ lực cai nghiện, đồng thời tạo ra dữ liệu thời gian thực trên chính họ, họ sử dụng chương trình như thế nào và họ có thật đang cai nghiện hay không.

Tác động của sáng kiến Ấn Độ trong việc giúp người dân tiếp cận dịch vụ cai nghiện là rất lớn. Ước tính đã có khoảng 2 triệu người đã đăng ký tham gia chương trình từ tháng Giêng 2016, nhờ vào sự xúc tiến mạnh mẻ trên toàn quốc chương trình mTocacco Cessation của Bộ Y tế Ấn Độ, và được đánh giá là chương trình lớn nhất trên thế giới.

Sáng kiến Ấn Độ được xem là một bước ngoặc trong việc nâng tầm quy mô của các dịch vụ cai nghiện thuốc lá tại nước này và những nước khác.

Những kinh nghiệm của Ấn Độ cũng đang được chia sẽ thông qua WHO và ITU đến những quốc gia đang xây dựng dịch vụ mTobacco Cessation, trong đó có Tunisia và Philippines.

Tiềm năng của chương trình Dược và Y tế Công cộng được hỗ trợ thông qua thiết bị di động (mHealth) không chỉ giới hạn ở cai nghiện thuốc lá. Mà còn hứa hẹn mở ra khả năng chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng cách dùng kỹ thuật di động, nhằm đem sự tiếp cận dễ dàng những dịch vụ y tế đối với những bệnh không lây (NCDs), đặc biệt là bệnh tim mạch, bệnh phổi, ung thư và tiểu đường, cho tất cả mọi người.


Mới đây, một chương trình giám sát bệnh tiểu đường dựa trên thiết bị di động đã được khởi động vào tháng 7 năm 2016 tại Ấn Độ và hiện đang cung cấp cho hơn 97.000 người những biện pháp đơn giản để ngăn chặn tiểu đường và giúp kiểm soát diễn tiến bệnh trong khi chờ đến lần gặp bác sĩ kế tiếp.

Nguồn

Wednesday, October 26, 2016

Singapore cần thêm 30.000 nhân viên y tế vào năm 2020

Trước tình hình dân số đang ngày càng già đi, Bộ Y yế Singapore (MOH) ước tính quốc đảo này sẽ phải cần thêm 30.000 nhân viên y tế vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của nước này.


Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong (Nhan Kim Dũng) nói chuyện tại Hội nghị Quốc gia về Năng suất của ngành Y tế ngày 20 tháng 10/2016. ST photo NG SOR LUAN

Trong một nổ lực nhằm thu hút nhân sự chọn nghề nghiệp ở lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo họ được trang bị đầy đủ, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong mới đây đã khởi động một Kế hoạch Nguồn nhân lực Chăm sóc sức khỏe 2020 (the Healthcare Manpower Plan), mục tiêu là đáp ứng nhu cầu nhân viên y tế đang ngày một tăng và cũng nhằm duy trì một mức lương tốt cho họ.

Kế hoạch này bao gồm ba chiến lược: Trang bị cho lực lượng chăm sóc sức khỏe những bộ kỹ năng liên quan để chuẩn bị cho nhu cầu nhân viên chăm sóc người có tuổi tăng cao trong thời gian tới, xây dựng lực lượng nhân viên y tế địa phương hùng hậu bằng cách đầu tư vào lớp học sinh mới ra trường và cả những người đã đi làm, cải thiện môi trường làm việc và kinh nghiệm bệnh nhân, và áp dụng công nghệ mới.

Sáng kiến nhằm nâng cao kỹ năng cho nhân viên y tế này bao gồm một chương trình Vừa học Vừa làm Kỹ năng Tương lai mới (Skills Future Earn and Learn program) dành cho những y tá khoa lão, do trường Bách khoa Nanyang giới thiệu từ tháng 12-2016, nhằm cung cấp cho những y tá vừa mới tốt nghiệp cơ hội được đào tạo chuyên sâu trong khi vẫn có thể làm việc. 

Bộ Y tế cũng cho biết cần phải đào tạo thêm nhiều bác sĩ cộng đồng, ước tính số thực tập sinh thầy thuốc gia đình sẽ tăng 30% vào năm 2019.

Các chương trình học bổng và tài trợ dành cho công dân Singapore trẻ cũng sẽ được triển khai để giúp họ theo đuổi giấc mơ nghề nghiệp ngành y tại nước nhà và ở nước ngoài, với mục đích xây dựng một lực lượng nòng cốt hùng hậu cho ngành chăm sóc sức khỏe.

Những chuyên gia đã đi làm cũng sẽ được hổ trợ thông qua một số sáng kiến, trong đó bao gồm chương trình nâng cao năng lực chuyên môn, người tham gia sẽ được cấp một khoảng trợ cấp đào tạo trong suốt quá trình học tập của mình.


Các y tá đang giúp đỡ một bệnh nhân tại Khu Chăm sóc Tâm thần tại một bệnh viện ở Singapore. Photo: todayonline

Ngoài ra còn có chương trình Y tá Hồi nghiệp (Return to Nursing), chương trình này sẽ giúp cho những người đã từng là y tá trước đây quay trở lại làm việc sau khi tham dự một khóa học lấy lại nghiệp vụ và kiến thức.


Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong đang xem xét Giải pháp Thông minh của ST Healthcare dành cho khu vực hậu cần.

Chiến lược thứ ba sẽ dùng đòn bẩy công nghệ để cải thiện năng suất trong ngành, hợp tác với những nhà cung cấp dịch vụ y tế để nâng cao chất lượng phục vụ, sử dụng các kỷ thuật tiên tiến, mở rộng vai trò của công việc và xem xét lại các điều luật.

"Cùng với tham vọng trở thành một quốc gia thông minh, ngành y tế công cộng của chúng ta (Singapore) đang nổ lực hết mình nhằm cung cấp những dịch vụ năng suất và chất lượng cao hơn qua việc ứng dụng những công nghệ mới" MOH tuyên bố.


Với dân số ước khoảng 5.610.000 người, năm 2014 Singapore có 440.000 người từ 18 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường.

Gan mô tả việc cải cách lực lượng y tế này "như là một hành trình đòi hỏi tất cả chúng ta cần phải cùng dấn thân, bất kể bạn là ai, lãnh đạo, y tá, nhân viên, hộ lý, bệnh nhân hay là một cá nhân nào".

Nguồn

Saturday, October 15, 2016

WHO kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm tiêu thụ nước uống có đường và những ảnh hưởng xấu của chúng lên sức khỏe con người.

11 tháng 10 2016/GENEVA - Một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết việc đánh thuế lên những loại nước ngọt có đường có thể giúp làm giảm lượng tiêu thụ chúng, từ đó giảm tỷ lệ bệnh béo phì, tiểu đường tuýp 2 và sâu răng trên toàn thế giới.


Những chính sách tài chánh này sẽ làm tăng ít nhất 20% giá bán lẻ các loại nước ngọt có đường, nhằm phần nào giảm lượng tiêu thụ loại nước có đường này, theo một báo cáo có nhan đề "Chính sách tài chánh dành cho ăn kiêng và ngăn ngừa những bệnh không lây (NCDs)".

Giảm bớt việc sử dụng nước uống có đường có nghĩa là giảm nạp đường (free sugar) và calorie nói chung vào cơ thể, qua đó chất dinh dưỡng được cải thiện, và giảm số người mắc bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường và sâu răng.



Free sugar là monosaccharides (glucose hoặc fructose) và disaccharides (sucrose hoặc đường cát) được nhà sản xuất, đầu bếp, người dùng cho vào thức ăn và nước uống, và đường tự nhiên có trong mật ong, sirô, nước ép trái cây và nước ép trái cây cô đặc.

Làn sóng béo phì đang dâng cao

Theo bác sĩ Douglas Bettcher, giám đốc Ban Ngăn ngừa những Bệnh không lây của WHO, "Việc tiêu thụ đường, bao gồm những sản phẩm như nước uống có đường, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng gia tăng người mắc bệnh béo phì và tiểu đường trên toàn cầu. Nếu chính phủ các nước đánh thuế cao lên những sản phẩm này, họ có thể giảm số người mắc bệnh và cứu sống người dân. Nhờ đó, có thể cắt bớt chi phí điều trị bệnh và tăng nguồn thu để đầu tư vào các dịch vụ y tế khác".

Trong năm 2014, toàn thế giới có 39% người lớn từ 18 tuổi trở lên bị bệnh thừa cân. Bệnh béo phì đang thịnh hành khắp nơi đã tăng gấp đôi từ năm 1980 đến năm 2014, với 11% đàn ông và 15% phụ nữ (hơn nửa tỷ người) được phân loại béo phì.

Ngoài ra, người ta ước tính có khoảng 42 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị thừa cân hoặc béo phì trong năm 2015, tăng khoảng 11 triệu trong vòng 15 năm qua. Gần một nửa (48%) số trẻ em này ở châu Á và 25% ở châu Phi.

Số người sống chung với bệnh tiểu đường cũng đang tăng nhanh, từ 108 triệu năm 1980 lên 422 triệu năm 2014. Là căn bệnh trực tiếp gây ra 1,5 triệu ca tử vong chỉ riêng năm 2012.

Cần phải giảm nạp đường vào cơ thể

"Xét về mặt dinh dưỡng học, người ta không cần bất cứ một hột đường nào trong chế độ ăn uống của mình. WHO cũng khuyến cáo nếu bạn vẫn hảo ngọt, hãy giữ cho lượng đường được nạp vào cơ thể dưới 10% tổng nhu cầu năng lượng của bạn, và những ích lợi cho sức khỏe sẽ càng tăng thêm nếu giảm xuống dưới 5%. Điều này tương đương với dùng ít hơn 250ml nước ngọt có đường một ngày," bác sĩ Francesco Branca, giám đốc Ban Dinh dưỡng cho Sức khỏe và Phát triển của WHO cho biết.

Theo một báo cáo mới đây của WHO, các cuộc thăm dò chế độ ăn uống quốc gia đã chỉ ra rằng thức ăn và đồ uống có hàm lượng đường cao là nguồn cung cấp calorie không cần thiết trong thực đơn của mọi người, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ em, tuổi teen và thanh niên.



Báo cáo cũng chỉ ra rằng những người thuộc nhóm có thu nhập thấp, nhóm người trẻ và nhóm người thường xuyên dùng các loại thức ăn đồ uống không có lợi cho sức khỏe, là những nhóm người đáp ứng với lại sự thay đổi giá thức ăn đồ uống nhiệt tình nhất, từ đó, họ đã cải thiện tình trạng sức khỏe rõ rệt. 

Đánh thuế để giảm tiêu dùng

Thuế được đánh vào thức ăn đồ uống có hại để cho nhóm thức ăn đồ uống có lợi cho sức khỏe có cơ hội đến với người tiêu dùng nhiều hơn.

Báo cáo cũng trình bày kết quả của cuộc họp giữa năm 2015 quy tụ những chuyên gia trên toàn cầu do WHO tổ chức và một nghiên cứu trên 11 bài phê bình đánh giá tính hiệu quả của chính sách thuế can thiệp nhằm cải thiện chế độ ăn uống của người dân và ngăn ngừa bệnh không lây và một cuộc họp chuyên môn của các chuyên gia, những phát hiện khác bao gồm:

- Việc trợ giá cho rau quả tươi giảm từ 10% đến 30% có thể giúp tăng lượng tiêu thụ rau quả.

- Việc đánh thuế cao một số thực phẩm đồ uống, đặc biệt những loại có hàm lượng cao chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường hoặc muối, với những bằng chứng rõ ràng cho thấy nếu tăng giá sẽ làm giảm tiêu thụ.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt, chẳng hạn như thuế đánh lên thuốc lá, được áp dụng một mức thuế cụ thể cho một số lượng hoặc một khối lượng sản phẩm, hay một thành phần nguyên liệu nào đó tỏ ra hiệu quả hơn là các loại thuế dựa trên phần trăm giá bán lẻ.

- Sự ủng hộ của xã hội đối với việc tăng thuế cũng có thể tăng nếu nguồn thu mà nó tạo ra được dùng để cải thiện hệ thống sức khỏe, khuyến khích những chế độ ăn uống lành mạnh hơn và gia tăng hoạt động thể chất.

Một số quốc gia đã tiến hành biện pháp tăng thuế như trên để bảo vệ người dân khỏi những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe. Mexico là quốc gia đã đánh thuế đặc biệt lên các loại đồ uống không cồn nhưng có đường, và Hungary cũng đánh thuế cao lên những sản phẩm đóng gói có hàm lượng đường , muối hoặc cà phê cao.

Những quốc gia như Philippines, Nam Phi và Vương quốc Anh và Bắc Ireland cũng đã tuyên bố sẽ thi hành luật thuế lên các loại đồ uống có đường.

Ghi chú:

Như một phần của những chiến dịch toàn diện nhằm cải thiện sức khỏe con người, một Ủy ban với sứ mệnh Chấm dứt Béo phì ở Trẻ em của WHO (Commission on Ending Childhood Obesity) mới đây đã kêu gọi các quốc gia hãy áp dụng các biện pháp tài chánh trong chương trình "Kế hoạch Hành động Toàn cầu nhằm Ngăn ngừa và Kiểm soát những Bệnh không lây giai đoạn 2013-2020", "Kế hoạch Thực thi Triệt để nhằm Cải thiện Dinh dưỡng cho Bà mẹ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em".

Chỉ trong năm 2012, 38 triệu người đã mất mạng vì những căn bệnh không lây, 42% trong số này chết trước tuổi 70 vì những căn bệnh có thể phòng tránh được. Hơn 80% số người chết trước 70 tuổi vì một căn bệnh không lây là ở những nước đang phát triển. Các quốc gia cũng đã cam kết giảm số người chết vì những bệnh không lây, Chương trình nghị sự về Phát triển Bền vững 2030 bao gồm một mục tiêu là giảm số người chết sớm vì bệnh tiểu đường, ung thư, bệnh tim và bệnh phổi xuống còn một phần ba vào năm 2030.

Tại Hội nghị Quốc tế Lần hai về Dinh dưỡng năm 2014, nhiều quốc gia đã cam kết sẽ định hình lại hệ thống thực phẩm của nước mình, và đây cũng là mục đích chính trong tuyên bố mới đây của Liên hiệp quốc Kế hoạch Hành động vì Dinh dưỡng trong Mười năm 2016-2025 (Decade of Action of Nutrition 2016-2025).

Nguồn